TP Hạ Long: Sức bật từ 3 đột phá chiến lược

05-04-2023 14:16
Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, Hạ Long đã đạt được nhiều kết quả tích cực; nổi bật là thực hiện 3 đột phá chiến lược. Qua đó nhằm sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Hạ Long trở thành đô thị dịch vụ, du lịch văn minh, thân thiện, trung tâm dịch vụ du lịch quốc gia tầm quốc tế.

Thực hiện chiến lược đột phá về hạ tầng, thành phố xác định trong nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục huy động nguồn lực, đa dạng hóa hình thức đầu tư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị thông minh, đồng bộ, hiện đại, giữ vững tiêu chí đô thị loại I. Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, dẫn đến nguồn thu để bố trí vốn cho đầu tư xây dựng cơ bản bị ảnh hưởng, trong đó thu từ phí tham quan Vịnh Hạ Long hụt 710 tỷ đồng so với dự toán tỉnh giao, nhưng nhờ cách làm linh hoạt, sáng tạo, thành phố vẫn đảm bảo nguồn lực để đầu tư hạ tầng. Để bù đắp hụt thu, thành phố tập trung rà soát quỹ đất để tổ chức đầu giá, đấu thầu, tăng thu ngân sách, tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên...

Đường nối trung tâm TP Hạ Long với xã Đồng Lâm. Ảnh: Đỗ Phương

Trong 2 năm (2021-2022) thành phố bố trí 3.541 tỷ đồng chi đầu tư phát triển, thu hút trên 109.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ xã hội (đạt 37,6% chỉ tiêu Nghị quyết); trong đó vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước chiếm 71,1%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 6,2%. Ông Vũ Ngọc Lâm, Trường Phòng Tài chính - Kế hoạch thành phố, cho biết: Trong 2 năm qua, chỉ tiêu này đều tăng trưởng trên 10%/năm. Nếu các năm sau đều giữ mức tăng trưởng này thì cuối nhiệm kỳ, thành phố sẽ đạt và vượt chỉ tiêu đặt ra.

Từ nguồn lực này, thành phố tập trung đầu tư, hoàn thiện hệ thống giao thông động lực và giao thông đối ngoại. Trong đó, ưu tiên nguồn lực đầu tư các công trình trọng điểm, động lực có tính kết nối, lan tỏa giữa các khu vực của thành phố và với các địa phương trong và ngoài tỉnh, tạo đà phát triển kinh tế, đồng thời tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại các xã; phối hợp đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm, động lực của tỉnh và của thành phố. Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm phát triển đồng bộ, từng bước rút ngắn khoảng cách phát triển giữa khu vực trung tâm và các xã.

Cán bộ Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Trong khâu đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, thành phố đã có nhiều cách làm mới, quyết liệt. Hiện 100% TTHC cấp thành phố, cấp xã được áp dụng thực hiện quy trình giải quyết TTHC 5 bước trên môi trường điện tử, gắn với áp dụng chữ ký số. Thông qua công tác tuyên truyền, hỗ trợ công dân đăng ký, tạo lập tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia, định danh điện tử mức 2, đã góp phần làm sạch dữ liệu, nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC. Trong nửa đầu nhiệm kỳ, thành phố đã thực hiện cắt giảm 30% thời gian giải quyết TTHC cấp thành phố, 32% thời gian giải quyết TTHC cấp xã; tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC trước và đúng hạn đạt 99% (tăng 2 điểm % so với năm 2020). Bước đầu triển khai và hình thành cơ sở dữ liệu chuyên ngành để từng bước triển khai cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) dùng chung của thành phố. Hạ Long cũng là địa phương tiên phong của tỉnh trong vận hành thí điểm Trung tâm điều hành thông minh (IOC) từ ngày 27/12/2021. Đến hết tháng 3/2023, đã có 96,8% dịch vụ công trực tuyến, 69,6% hồ sơ phát sinh được giải quyết theo mức độ 3,4; 20% người dân, 100% doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ chính quyền điện tử.

Thành phố tập trung xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch; công khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát triển ngành, lĩnh vực, danh mục các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư, chú trọng thu hút, tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có tiềm lực mạnh, có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững, từ đó tạo động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế khác; chủ động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là giai đoạn trong và sau đại dịch Covid-19.

Về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thành phố quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCCVC, nhờ đó có sự chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng so với đầu nhiệm kỳ. Thành phố phối hợp đào tạo nâng cao chất lượng lao động, chú trọng lĩnh vực du lịch, dịch vụ, công nghệ cao; hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa kết nối doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nghề; đẩy mạnh phân luồng sau THCS, định hướng nghề nghiệp sau THPT; ưu tiên hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ đầu tư và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, nhằm tạo ra việc làm, góp phần thu hút dân cư đến thành phố sinh sống, làm việc, nhất là nguồn lao động chất lượng cao từ các địa phương ngoài tỉnh.

Sự chuyển động mạnh mẽ của cả 3 khâu đột phá chiến lược trong nửa đầu nhiệm kỳ đã đưa diện mạo đô thị thay đổi rõ rệt, khẳng định vị thế là thành phố trung tâm, hạt nhân phát triển của tỉnh. Đây cũng là động lực rất lớn để thành phố hoàn thành những chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025.

Nguồn: Báo Quảng Ninh


Các tin đã đưa

Thăm dò ý kiến

Liên kết website

Thư viện ảnh

Thống kê online

Số trang được xem: 254456
Số lượt truy cập: 7893