Ưu tiên phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

04-10-2024 10:12
Để kéo giảm chênh lệch vùng miền, tạo điều kiện cho người dân thụ hưởng đầy đủ, kịp thời những chương trình, dự án, chính sách của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, Quảng Ninh đã ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào DTTS. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực này ngày càng được nâng lên rõ rệt, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn.
Công trình nước sinh hoạt tập trung Khe Máy (thôn Phủ Liễn, xã Đồng Sơn, TP Hạ Long) được hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2023. Ảnh: Mạnh Trường

Theo đó, bám sát chủ trương, chính sách của Trung ương, nhằm thúc đẩy phát triển vùng đồng bào DTTS, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh luôn nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Từ năm 2019 đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 12 nghị quyết về cơ chế, chính sách, định mức đầu tư phát triển toàn diện vùng DTTS.

Cùng với đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành chương trình hành động và các quyết định phê duyệt đề án, chủ trương đầu tư, triển khai thực hiện các chính sách phát triển vùng đồng bào DTTS. Trong đó nổi bật là tập trung, ưu tiên dành nguồn lực cho Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Chỉ tính từ năm 2021 đến nay, Quảng Ninh ưu tiên bố trí trên 3.400 tỷ đồng vốn đầu tư ngân sách tỉnh hỗ trợ trực tiếp thực hiện chương trình, cùng hàng nghìn tỷ đồng vốn lồng ghép, vốn sự nghiệp và huy động tổng thể các nguồn lực khác.

Ngoài ra nhiều cơ chế, chính sách cụ thể về y tế, giáo dục, văn hóa, nhà ở, giải quyết việc làm, tín dụng chính sách xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi trên địa bàn tỉnh cũng được triển khai kịp thời. Điển hình như: Đề án nâng cao chỉ số phát triển con người tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025; đề án tuyên truyền, vận động cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2022-2025...

Tỉnh cũng đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại các vùng đồng bào DTTS và miền núi để cùng liên kết, hình thành mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn; tạo điều kiện cho hộ đồng bào DTTS tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã để cùng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh chuyển giao KHCN để người dân ứng dụng vào sản xuất các loại cây, con có giá trị kinh tế, các mô hình sản xuất mới có hiệu quả, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh, nâng cao thu nhập và điều kiện sống; tăng cường đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại địa phương; đẩy mạnh thực hiện các chính sách an sinh xã hội gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng NTM…

Người dân vùng đồng bào DTTS tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.

Việc đồng bộ các chính sách vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đã đưa mức sống của người dân được cải thiện đáng kể. Theo ông Lục Thành Chung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, đến nay tỉnh đã hoàn thành nhiều mục tiêu phát triển văn hóa, xã hội, con người của cả giai đoạn 2021-2025, nhân dân được thụ hưởng các thành quả phát triển của tỉnh. Riêng về thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh tính đến hết năm 2023 đã đạt trên 73 triệu đồng/năm, cao hơn khoảng 1,23 lần so với thu nhập bình quân đầu người cả nước và cao hơn khoảng 2,8 lần so với mục tiêu chung đến năm 2025 của cả nước về nâng mức thu nhập bình quân của người DTTS. Đến nay, 100% xã miền núi có đường ô tô đến tận thôn, bản; 100% xã thuộc khu vực miền núi, biên giới, hải đảo có điện lưới quốc gia; 100% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia; 100% hộ đã có nhà ở kiên cố; 100% hộ đồng bào được xem truyền hình, được nghe đài phát thanh…

Chị Bùi Thị Hương (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu) cho biết: Những năm gần đây, được Đảng, Nhà nước quan tâm đến đồng bào DTTS, nhiều chính sách phù hợp với người dân đã thúc đẩy phát triển kinh tế. Nhất là trường học được đầu tư xây mới khang trang nên trẻ em đi học yên tâm. Những hộ nghèo trong xã được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đời sống văn hóa tinh thần ngày càng được nâng cao, người dân chúng tôi rất phấn khởi.

Quan điểm của Quảng Ninh không chỉ dừng lại ở việc lo cho đồng bào DTTS có cơm ăn, áo mặc, trẻ con được học hành, mà còn từng bước tạo dựng nên vùng đồng bào DTTS có nền kinh tế phát triển bền vững, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống; đoàn kết yêu thương, đùm bọc nhau, gắn kết cùng cộng đồng đồng bào DTTS trong vùng giữ vững quốc phòng - an ninh biên giới, quốc gia, dân tộc.

Từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã phê duyệt 4 đề án và các kế hoạch thực hiện khôi phục, sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, nghiên cứu, đề xuất công nhận các giá trị văn hóa phi vật thể của một số DTTS trên địa bàn tỉnh và xây dựng các thiết chế thể thao, văn hóa tại các xã vùng đồng bào DTTS. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17 (ngày 30/10/2023) về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững. Đây là cơ sở, nền tảng quan trọng để thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS, gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.

Bà Từ Thị Kém (dân tộc Sán Dìu, thôn Vòng Tre, xã Bình Dân, huyện Vân Đồn) cho biết: Trước đây đường đi lại rất khó khăn, lầy lội, đất đỏ bết dính, không đi được xe máy. Những năm gần đây được Nhà nước đầu tư đường sá đi lại thuận lợi hơn nhiều. Cùng với đó, trong 3 năm trở lại đây, xã Bình Dân được đầu tư xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng của đồng bào Sán Dìu, nên làn điệu sọong cô của dân tộc được bảo tồn, phát huy, người dân chúng tôi rất vui mừng, tự hào. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm để mở các lớp bảo tồn tiếng nói, tiếng hát của đồng bào Sán Dìu cho thế hệ trẻ.

Từ nền tảng đã có, thời gian tới, tỉnh tiếp tục ưu tiên dành nguồn lực lớn từ NSNN và huy động tổng thể các nguồn lực khác tập trung đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng động lực với vùng khó khăn; gắn kết với các trung tâm kinh tế, trung tâm đô thị, các vùng động lực, KKT, KCN nhằm thúc đẩy phát triển nhanh bền vững. Tiếp tục ưu tiên đầu tư cho hạ tầng giáo dục; đầu tư cho hạ tầng y tế cơ sở; đầu tư, nâng cấp công trình thủy lợi, công trình phòng chống thiên tai, cấp nước sinh hoạt, hạ tầng điện, viễn thông, thiết chế văn hóa... cho vùng đồng bào DTTS. Tiếp tục tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về diện mạo, tạo ra tiềm lực và động lực mới cho sự phát triển bền vững của vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.

Nguồn: Báo Quảng Ninh


Các tin đã đưa

Thông Báo

Thăm dò ý kiến

Liên kết website

Thư viện ảnh

Thống kê online

Số trang được xem: 355646
Số lượt truy cập: 10766