TP Hạ Long dẫn đầu cả 3 chỉ số PAR INDEX, DDCI và DTI khối địa phương
29-03-2024 14:52Ngày 9/4/2021, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là một trong những nghị quyết đầu tiên của BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, thể hiện ý chí quyết tâm, dám nghĩ, dám làm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh nhằm cụ thể hóa mục tiêu hàng năm giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI lần đầu tiên được nêu trong Văn kiện Đại hội XV Đảng bộ tỉnh
Sau 3 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết 05-NQ/TU đã thực sự đi vào cuộc sống. Minh chứng rõ nét nhất là tỉnh Quảng Ninh có 6 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số PCI, 4 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số SIPAS, 5 năm dẫn đầu chỉ số PAR-Index, 2 năm dẫn đầu chỉ số PAPI; đồng thời là tỉnh duy nhất cả nước có 2 lần dẫn đầu đồng thời cả 4 chỉ số PAR-Index, PCI, SIPAS, PAPI (năm 2020, năm 2022). Đặc biệt, Quảng Ninh hoàn thành trước mục tiêu đến năm 2025, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 5 tỷ USD. Trong 3 năm (2021-2023), thu hút vốn đầu tư FDI đạt trên 6,83 tỷ USD, bằng 137% kế hoạch. Thủ tục hành chính thường xuyên được rà soát, chuẩn hóa quy trình, thời gian giải quyết ngày càng được cắt giảm đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức. Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp tham gia giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến ngày càng được nâng lên. Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tiếp tục được rà soát, sắp xếp theo hướng tinh gọn; hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước ngày càng nâng lên. Đội ngũ cán bộ công chức trong hệ thống chính trị đã hình thành văn hóa phục vụ, văn hóa cam kết, tận tâm, tận lực vì sự phát triển của địa phương. Cùng với đó, công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước…
Những đột phá về chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và các chỉ số chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động phục vụ nhân dân đã góp phần hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh. Niềm tin của người dân, nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp về môi trường đầu tư và hệ thống chính quyền ngày càng tăng lên, phản ánh một chính quyền địa phương liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đều khẳng định: Những thành quả đạt được trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh là sự nỗ lực vượt bậc của hệ thống chính trị toàn tỉnh, trước hết từ các đồng chí lãnh đạo, người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và phát huy vai trò của cơ quan dân cử trong giám sát, phản biện xã hội. Nhiều ý kiến đã phân tích làm rõ thêm những kết quả; những cách làm hay trong thực hiện Nghị quyết 05, kết quả thực hiện các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, DDCI, DGI, DTI của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong năm 2023. Đồng thời, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những những tồn tại, hạn chế cũng như những khó khăn, thách thức trong thực hiện Nghị quyết 05 và đề xuất nhiều giải pháp mới để tiếp tục đổi mới, sáng tạo, đột phá hơn nữa trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với thực hiện chuyển đổi số trong các năm tiếp theo.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành của tỉnh, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở đã nhất quán một quyết tâm chính trị, chung một tấm lòng, không ngừng nỗ lực, cố gắng, chung tay, góp công sức, trí tuệ, sự tâm huyết, trách nhiệm vào cuộc để cùng nhau làm nên những kết quả tốt đẹp như hiện nay.
Nhấn mạnh phương châm “Chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc, trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư chỉ có nhìn về phía trước để tiến lên”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, trực tiếp là người đứng đầu cần đặc biệt quan tâm và phải tăng cường hơn nữa công tác quán triệt sâu sắc, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai triển khai có hiệu quả, đồng bộ các giải pháp đã đề ra trong các đề án, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh bảo đảm thực chất, quyết liệt, hiệu quả và bền vững. “Mục tiêu hướng đến phải tiếp tục nâng cao chất lượng cải cách hành hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phù hợp với bối cảnh, xu thế chuyển đổi, xu thế phát triển mới như xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi nguồn nhân lực, nâng cao hình ảnh vị thế của địa phương trên các bảng xếp hạng quốc gia, quốc tế, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, tăng số lượng doanh nghiệp mới thành lập, giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, chất lượng tăng trưởng; củng cố và nâng cao niềm tin của người dân và doanh nghiệp” - đồng chí nhấn mạnh.
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, đồng chí yêu cầu phải đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng chính quyền liêm chính, thực sự “của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng chuyên nghiệp, có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đổi mới sáng tạo, phục vụ nhân dân và sự phát triển địa phương trong tình hình mới.
Cùng với đó, các sở, ban, ngành, địa phương cần đẩy mạnh cải cách hành chính một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh. Từng địa phương, sở, ngành phải tạo chuyển biến thực chất hơn nữa chất lượng các chỉ số PAR- Index, SIPAS, DDCI, DGI, ICT, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; đồng hành thực chất, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên.
Các địa phương, sở, ngành cần tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tăng trưởng GRDP trên hai con số trong dài hạn đến năm 2030; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, khai thông các điểm nghẽn, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực; tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược của Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng; thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số toàn diện gắn với ứng dụng mạnh mẽ và có hiệu quả thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tạo bước đột phá hiện đại hóa nền hành chính với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm cá nhân và nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa các cấp, các ngành; thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy, các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, chuyển đổi số.
Nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số ẩn chứa đằng sau là các động lực thúc đẩy bởi các tác nhân thể chế, thiết chế tổ chức, chuyển đổi số, nhân lực, nhưng tất cả đều hội tụ ở nhân tố con người, là cán bộ và công tác cán bộ. Do vậy, trên hành trình cải cách, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu phải thực sự nêu gương, làm gương qua hành động thực tế, “nhiệt huyết và truyền lửa”, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, sâu sát, cụ thể, kiên trì, liên tục, trực tiếp, thường xuyên hằng ngày và phải đong, đo, đếm được kết quả, hiệu quả, không chạy theo thành tích và bệnh hình thức.
Đồng chí yêu cầu phải tiếp tục có cơ chế, chính sách thu hút, lựa chọn đúng người thực đức, thực tài trong bộ máy lãnh đạo, quản lý; mạnh dạn bố trí, sử dụng ở các vị trí phải chịu trách nhiệm “đứng mũi chịu sào”. Đó là việc cần thiết lập, vận hành cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu lực, hiệu quả để kiên quyết sàng lọc, kịp thời thay thế những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, kỷ luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, giảm sút uy tín, nhất là nhũng nhiễu doanh nghiệp, gây phiền hà cho người dân và phòng chống những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm. Phải tăng cường giáo dục kỷ luật, chấp hành kỷ luật, dùng kỷ luật nghiêm minh và giám sát nghiêm khắc để cán bộ, đảng viên biết giữ gìn, nhớ điều cấm, giữ giới hạn, quen làm việc và sinh sống trong môi trường bị giám sát, bị ràng buộc để làm đúng hơn, làm nhanh hơn, làm tốt hơn, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân; nêu gương, làm gương ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh, phải thật sự chí công vô tư, mọi việc đều xuất phát từ nhân dân, vì nhân dân; xây dựng hình ảnh, tác phong, cốt cách của cán bộ, công chức, viên chức Quảng Ninh chuyên nghiệp, kỷ cương, tận tâm, mẫu mực, năng động, sáng tạo vì người dân phục vụ.
Tại hội nghị, tỉnh Quảng Ninh đã công bố kết quả các Chỉ số PAR INDEX, SIPAS, DDCI, DGI, DTI của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Theo kết quả công bố chỉ số DDCI, ở khối sở, ban, ngành, Ban Quản lý KKT vươn lên vị trí Quán quân với điểm số 79,52. Các vị trí tiếp theo trong nhóm “Rất tốt” lần lượt là Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Tư pháp; Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Tài chính. Ở khối các huyện, thị xã, thành phố, TP Hạ Long ở vị trí dẫn đầu với 72,70 điểm; tiếp sau là huyện Bình Liêu với 70,98 điểm. Các địa phương: Hải Hà, Uông Bí, Quảng Yên lần lượt đứng ở các vị trí tiếp theo và nằm trong nhóm điểm “Rất tốt”.
Ở chỉ số SIPAS, đơn vị dẫn đầu là khối sở, ban, ngành là Sở Tư pháp với tỷ lệ hài lòng đạt 96,99% và đứng cuối là Sở Văn hóa, Thể thao với tỷ lệ hài lòng đạt 90,34%, chênh lệch đơn vị đứng đầu và cuối là 6,65%. Đối với các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị dẫn đầu là TP Cẩm Phả với tỷ lệ hài lòng đạt 97,21% và đơn vị đứng cuối là TX Quảng Yên với 93,85%. Đối với các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh đứng đầu với tỷ lệ đánh giá hài lòng đạt 97,82%, đơn vị đứng cuối là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với 95,24%.
Kết quả tổng hợp chỉ số PAR INDEX ghi nhận nhóm xuất sắc gồm 15 cơ quan, đơn vị, địa phương; 26 cơ quan, đơn vị, địa phương ở nhóm Tốt; nhóm Khá gồm 7 cơ quan, đơn vị, địa phương, nhóm Trung bình gồm 3 cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong đó, đơn vị có mức điểm cao nhất là Kho bạc Nhà nước tỉnh với 98,10 điểm và đơn vị thấp nhất là Trường Cao đẳng Việt Hàn với giá trị đạt 63,63 điểm.
Đối với Chỉ số DGI, năm 2023, giá trị trung bình đạt được của các huyện, thị xã, thành phố là 91%, giảm 0,2% so với năm 2022 (91,20%). So với năm 2022 có 5/13 địa phương có điểm đạt được tăng hơn. Dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số DGI là huyện Tiên Yên.
Đối với Chỉ số DTI, năm 2023 là năm đầu tiên thực hiện đánh giá qua phần mềm về mức độ chuyển đổi số đối với 225 cơ quan, đơn vị, địa phương với 3 khối. Kết quả đạt mức độ trung bình, cụ thể khối các sở, ban, ngành 550 điểm/1.000 điểm; khối các huyện, thị xã, thành phố là 653 điểm/1.000 điểm và khối các đơn vị cấp xã là 570 điểm/1.000 điểm. Dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số DTI khối các huyện, thị xã, thành phố là TP Hạ Long; khối các xã, phường, thị trấn là UBND phường Ka Long (TP Móng Cái) và khối sở, ban, ngành là Sở Y tế.
Nhân dịp này, UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 41 tập thể, 41 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, DDCI, DGI, DTI của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Thông Báo
Thăm dò ý kiến
Liên kết website
Thư viện ảnh
Thống kê online
Số lượt truy cập: 9906