Chiến thắng Điện Biên Phủ: Thiên sử vàng mang tầm vóc thời đại

07-05-2024 14:05
70 năm đã trôi qua, nhưng dư âm 56 ngày đêm chiến đấu ngoan cường “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của quân và dân Việt Nam vẫn lắng đọng trong những trang sử hào hùng của dân tộc.
Bộ đội ta tấn công các vị trí xung yếu của địch trên đồi A1, ngày 6/5/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng và sức mạnh Việt Nam; là kết quả của sự nỗ lực, bền bỉ đấu tranh của toàn quân, toàn dân ta, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Với chiến thắng lịch sử này, Việt Nam trở thành hình mẫu cho rất nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới, trở thành nguồn động viên và khích lệ đối với con đường giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa.

Biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng và sức mạnh Việt Nam

Ngày 7/5/1954, sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giành thắng lợi vẻ vang. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã loại khỏi vòng chiến đấu một số lượng lớn sinh lực (16.200 quân, trong đó có trên 1.700 sĩ quan và hạ sĩ quan) và phương tiện chiến tranh của địch (bắn rơi 62 máy bay, thu 28 pháo lớn, 64 xe, 5.915 súng các loại, 20 nghìn lít xăng dầu...), giải phóng địa bàn có ý nghĩa chiến lược, giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, xoay chuyển cục diện chiến tranh. Với chiến thắng này, ta đã đập tan mọi âm mưu chiến lược quân sự của thực dân Pháp, sự can thiệp của Mỹ, buộc Chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Geneve (tháng 7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ 3 nước Đông Dương; kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ kéo dài 9 năm (1945-1954) của dân tộc Việt Nam.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một chiến thắng điển hình nhất trong lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta đánh thắng quân viễn chinh Pháp có tiềm lực quân sự mạnh, vũ khí trang bị hiện đại. Do đó, ba tiếng “Điện Biên Phủ” đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng và sức mạnh Việt Nam.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kết tinh của nhiều nhân tố, mà quan trọng nhất là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là sự kết tinh trí tuệ, bản lĩnh của Đảng, với một bộ chỉ huy thao lược, tài ba gồm những cá nhân xuất sắc. Sự lãnh đạo đó không những thể hiện ở đường lối chính trị và đường lối quân sự đúng đắn, ở sự chỉ đạo chiến lược và chiến thuật tài tình trên chiến trường mà điều quan trọng còn thể hiện ở vai trò tiên phong hy sinh, gương mẫu của những người đảng viên. Trước những thử thách ác liệt của trận Điện Biên Phủ, biết bao đảng viên ưu tú đã một lòng vì nước, vì dân, nêu cao tinh thần gương mẫu trong chiến đấu, không quản gian khổ, sẵn sàng xả thân để giành chiến thắng.

Chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại còn có nguồn gốc sâu xa từ truyền thống quý báu của dân tộc, đã được hun đúc qua mấy nghìn năm lịch sử. Đó là truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần độc lập, tự chủ, ý chí quật cường, bất khuất, thông minh, sáng tạo, đoàn kết nhân ái của toàn thể nhân dân. Phát huy những truyền thống đó, quân và dân ta đã làm nên những kỳ tích - khắc phục được những khó khăn tưởng như không thể vượt qua, làm được những việc tưởng chừng không thể làm nổi, tạo nên bước tiến vượt bậc về khả năng và sức mạnh chiến đấu để đánh bại mọi kẻ thù. Chính tướng bại trận Henri Navarre - Tổng Chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương - đã phải thừa nhận rằng: “Sức mạnh to lớn của Việt Minh nằm trong sức mạnh huyền thoại của dòng giống người Việt, lòng yêu nước và nhất là ý thức xã hội mà họ đã xây dựng được... Chính phủ Việt Minh đưa cuộc chiến vào tất cả các lĩnh vực - chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội và quân sự - tạo ra một động lực hết sức mạnh mẽ” (1).

Đặc biệt hơn nữa, sức mạnh làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chính là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, từ quân đến dân, từ hậu phương đến tiền tuyến. Lần đầu tiên ta tập trung gần 5 sư đoàn chủ lực mạnh vào một trận đánh, động viên các chiến trường trong cả nước. Hơn 26 vạn đồng bào đã hăng hái đi dân công, đi thanh niên xung phong tham gia làm đường, vận tải tiếp tế, phục vụ chiến dịch, bảo đảm hậu cần cho một mặt trận xa hậu phương hơn 500km, trong điều kiện đường sá khó khăn, phương tiện vận tải thô sơ, thiếu thốn, thường xuyên bị địch đánh phá ác liệt. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Alain Ruscio - sử gia người Pháp đã nhận xét: “Võ Nguyên Giáp đâu phải chỉ có một mình! Ông có nhân dân Việt Nam cùng kề vai, sát cánh...” (2).

Chiến thắng Điện Biên Phủ đồng thời cũng là chiến thắng của tình đoàn kết chiến đấu bền chặt, thủy chung, son sắt giữa quân đội, nhân dân 3 nước Đông Dương và sự đoàn kết, giúp đỡ, ủng hộ của các nước anh em và bạn bè quốc tế.

Cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới

Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Thắng lợi của nhân dân Việt Nam ở Điện Biên Phủ không chỉ là thắng lợi của khát vọng độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam, mà còn là sự cổ vũ mạnh mẽ cho tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới” (3).

Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi đầu tiên của các dân tộc thuộc địa trước đội quân xâm lược nhà nghề của một đế quốc lớn. Vì trước trận Điện Biên Phủ, trong suốt 500 năm lịch sử chế độ thuộc địa, chưa từng có một nước thuộc địa nào đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của một đế quốc lớn, chưa có một nước thuộc địa nào dùng phương pháp hòa bình buộc các nước cai trị thuộc địa trao trả độc lập thực sự. Về điều này, trong cuốn sách “Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp”, tác giả Guyn Roa (Jules Roy), ký giả kiêm sử gia, nguyên đại tá quân viễn chinh Pháp, nhận xét rằng: “Trên toàn thế giới, trận Oa-téc-lô cũng ít có tiếng vang hơn. Điện Biên Phủ thất thủ gây ra một sự kinh hoàng ghê gớm. Đó là một trong những thất bại lớn của phương Tây, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa. Tiếng sấm của sự kiện Điện Biên Phủ vẫn còn âm vang” (4).

Trong khoảng thời gian gần hai thập niên sau chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam, hàng loạt nước thuộc địa và phụ thuộc ở châu Á, châu Phi, Mỹ La-tinh lần lượt giành được độc lập, với hình thức và mức độ khác nhau; phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội phát triển ngày càng sâu rộng. Đặc biệt, với niềm tin được cổ vũ mạnh mẽ bởi chiến thắng này, các nước thuộc địa của Pháp ở châu Phi cũng đồng loạt nổi dậy đòi độc lập. Chỉ riêng trong năm 1960, đã có 17 nước châu Phi giành được độc lập và đến năm 1967, Pháp đã buộc phải trao trả độc lập cho hầu hết các nước từng là thuộc địa của họ.

Đánh giá về giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ M.Victoria (Viện Hàn lâm khoa học Ukraine) khẳng định: "Chiến thắng Điện Biên Phủ là một mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Sự kiện này không chỉ giúp Việt Nam thoát khỏi áp bức của thực dân Pháp mà còn mở ra con đường để giành độc lập cho cả Đông Dương và các nước thuộc địa ở châu Phi” (5).

Mới đây, trong bài viết mang tựa đề “Bản hùng ca bất diệt của thế kỷ XX”, đăng ngày 3/5/2024 trên Tạp chí “Voces del periodista” – tiếng nói của những nhà báo Mexico, tác giả Mouris Salloum George và cũng là Tổng Biên tập của tạp chí trên đã viết, chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo nên bước ngoặt quan trọng cho Cách mạng Việt Nam, tạo cơ sở căn bản và quyết định cho việc đi đến ký kết Hiệp định Geneve về chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Chiến thắng này cũng khẳng định sự trưởng thành ấn tượng, vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam; là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh. Tổng Biên tập “Voces del periodista” nhấn mạnh, với cảm hứng mang tên Việt Nam, nhân dân nhiều nước thuộc địa, nhất là ở châu Phi và châu Mỹ Latinh đã đứng lên lật đổ chủ nghĩa thực dân, giành lại quyền làm chủ đất nước.

Chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Liên bang Nga nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Giáo sư Vladimir Kolotov, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg, đánh giá: Sức mạnh của Quân đội Việt Nam trong trận Điện Biên Phủ trước hết là trí và mưu… Với chiến thắng Điện Biên Phủ, Việt Nam trở thành hình mẫu cho rất nhiều dân tộc còn bị áp bức trên thế giới, trở thành nguồn động viên và khích lệ đối với con đường giải phóng dân tộc của các nước.


(1) H.Navarre, Đông Dương hấp hối (Hồi ký), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.55.
(2) G.Boudarel, Võ Nguyên Giáp, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2012, tr.12.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 14, tr. 315, 271
(4) Jules Roy: Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1994
(5) Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại, Sđd, tr.586

Theo TTXVN



Các tin đã đưa

Thông Báo

Thăm dò ý kiến

Liên kết website

Thư viện ảnh

Thống kê online

Số trang được xem: 331156
Số lượt truy cập: 9906